Bộ Sưu Tập Tiền Cổ Khủng Nhất Việt Nam
Trong giới sưu tập tien co viet nam thì có rất nhiều người có cùng thú chơi và sở thích sưu tập tiền, nhưng thực sự đam mê và bỏ công sức cũng như tài chính ra để sở hữu những tờ tiền cực độc ra để phong phú cho bộ sưu tập của mình thì ở Việt Nam phải nhắc tới 2 nhà sưu tập đó là ông Kim Khải ở An Giang và ông Mai Ngọc Phát ở Hà Nội. Chúng ta cùng tìm hiểu bộ sưu tập của 2 nhà sưu tập nổi tiếng này nhé.
1. NHÀ SƯU TẬP TIỀN CỔ KIM KHẢI – AN GIANG.
Nhiều năm tìm tòi, ông Ông Kim Khải đã sưu tập được bộ tiền cổ niên đại hàng ngàn năm cùng những đồng tiền bằng giấy, bằng đồng, bằng kẽm qua các thời đại.
Bản đồ bằng tiền cổ
Những ai đến nhà ông Kim Khải (59 tuổi, ở ấp Ấp Thị 1, xã Hội An, H.Chợ Mới, An Giang) đều thán phục khi chiêm ngưỡng bộ tien co niên đại hàng ngàn năm được trưng bày. Nhiều người bất ngờ vì một người vùng quê xa xôi cách trở như ông lại sở hữu những đồng tiền vô giá. Ông Khải cho biết, ông đang sở hữu các đồng tiền quý như: tiền Thái Bình Hưng Bảo và Thái Bình Nguyên Bảo thời nhà Đinh; tiền Thiên Phúc Trấn Bảo thời Tiền Lê; tiền Nguyên Phong Thông Bảo, Thiên Phong Nguyên Bảo, Đại Trị Thông Bảo thời nhà Trần; tiền Thánh Nguyên Thông Bảo thời nhà Hồ; tiền Mạc Chính Thông Bảo thời nhà Mạc; tiền Gia Hưng Thông Bảo thời Nguyễn…
Ông Khải rất tự hào với tấm bản đồ tiền Việt Nam qua các triều đại.
Ông Khải đã lập hẳn một bản đồ bằng tiền Việt Nam. Đỉnh bản đồ gắn đồng tiền đúc đầu tiên thời nhà Đinh sau đó các đồng tiền trải dài qua các triều đại Lý, Trần, Lê… và kết thúc là đồng tiền xu cổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành từ năm 1946-1950. Ông Khải cho biết, năm 970 vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc tiền đồng khởi đầu cho tiền tệ đầu tiên ở Việt Nam và lấy niên hiệu năm là Thái Bình đặt cho đồng tiền Thái Bình Hưng Bảo. Ông phân tích: “Đây là cái hay và kiêu dũng của nhà Đinh vì nên nhớ rằng thời điểm đó bên Trung Hoa là thời Tống Thái Tông, vua Thái Tông lấy niên hiệu là Thái Bình Hưng Quốc. Trong khi đó đồng tiền vua Đinh Tiên Hoàng lại lấy Thái Bình Hưng Bảo mà không sợ úy kỵ với nhà Tống hay sợ họ nổi giận bắt tội”.
Theo ông Khải, trong hệ thống tiền tệ phong kiến thì tiền thời Hậu Lê và tiền thời nhà Hồ là đẹp nhất. Cụ thể tiền Thánh Nguyên Thông Bảo thời Hồ Quý Ly đúc kích cỡ nhỏ hơn các triều đại trước nhưng đồng tiền dày, chữ viết và hình hoa văn đẹp. Một đồng tiền cổ này bây giờ trị giá cả 50 triệu đồng. Ngược lại đồng tiền Thiên Minh Thông Bảo thời chúa Nguyễn Phúc Khoát lưu hành ở Đàng Trong là đồng tiền xấu và tệ nhất trong lịch sử tiền tệ. Do thời đó đúc tiền bằng kẽm pha với các tạp chất, thêm nạn gian lận ăn chặn khi đúc tiền của các quan lại nên đồng tiền đúc xong mau mục, dễ gãy, khó bảo quản, dùng miệng cắn cũng bể nhỏ. Ông còn cho biết, thời vua Tự Đức việc xử phạt xài tiền giả khá nghiêm minh: việc đúc tiền giả nếu phát hiện bị phạt rất nặng, còn người bị lừa đưa nhằm tiền giả tra xét thấy đúng thì quy ra 3 đồng giả được bồi đền bằng 1 đồng thật, người nào phát hiện ai đúc hay cố ý xài tiền giả mà cáo quan thì được thưởng bằng tiền thật theo giá trị % tiền giả.
Món đồ gì cũng vậy, cũng có tánh linh, biết mình yêu thích và trân trọng nâng niu thì chắc chắn nó sẽ tìm đến mình hoặc mở đường cho mình tìm đến
Chứng nhân của lịch sử
Ông Khải khoe 2 đồng tiền Gia Hưng Thông Bảo thời Gia Long ông đang có thuộc loại hiếm hoi. Ông giải thích lúc Nguyễn Ánh bôn tẩu đã cho đúc tiền này sử dụng không muốn dùng tiền nhà Tây Sơn. Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn đã thu hồi đồng tiền Gia Hưng Thông Bảo và những ai giữ đồng tiền này ông đều đãi ngộ hậu hĩ do có công giúp ông trong lúc kinh nan. Sau khi thu hồi, nhà Nguyễn đã dùng tiền này làm vật liệu đúc lại tiền Gia Long Thông Bảo chất liệu tốt hơn và vì thế đồng tiền Gia Hưng Thông Bảo rất hiếm. Chỉ đồng tiền 2 đồng, phát hành ở Bắc bộ từ năm 1946-1950 ông Khải nói: “Đồng tiền này cũng rất hiếm, tôi phải tốn kém nhiều thời gian mới sưu tập được. Đồng tiền này mặt trước in hình Bác Hồ với dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt sau in hình bông lúa được uốn tròn lại và dòng chữ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Theo ông Khải, đồng tiền cũng ngộ lắm, ẩn chứa những câu chuyện rất hay cùng quá trình biến động của lịch sử. Như đồng tiền nhôm 50 xu thời Ngô Đình Diệm làm tổng thống đúc vào năm 1960 thì đồng tiền đúc dày, ghi là 50 xu. Nhưng tới năm 1963, Diệm suy yếu thì đồng tiền đúc mỏng hơn, ghi là 50 xu và mặt sau hình bụi tre bị in lật ngược. Theo ông Khải đồng tiền còn thể hiện các thời kỳ của lịch sử, năm nào tiền in ít và mỏng chứng tỏ lượng đồng đã thiếu hụt, tài chính khó khăn, ví dụ như đồng tiền Minh Thiên Thông Bảo thời chúa Nguyễn Phúc Khoát phải làm bằng kẽm pha do lúc đó chúa Nguyễn đã công khai đối địch lại chúa Trịnh nên việc hỗ trợ đồng thau từ Bắc Triều đã bị cắt đứt.
Ông Khải nói nếu như thời Đinh đúc tiền mở mang cho tiền tệ Việt Nam thì đến thời Tây Sơn, vua Quang Trung lại ra sức đúc tiền bằng đồng gồm các loại tiền Thái Đức Thông Bảo, Minh Đức Thông Bảo, Quan Trung Thông Bảo… với số lượng lớn nhằm để người dân dùng tiền trong nước, hạn chế sử dụng tiền đồng Càn Long, Gia Khánh của Trung Quốc. Như thế mới thấy rõ sự độc lập tự cường của vua Quang Trung rất cao.
Khi được hỏi làm cách nào để có được những đồng tiền quý này, ông Khải bộc bạch: “Tại tôi mê chúng từ lúc còn thiếu niên, lớn lên thích đi sưu tập. Đồng tiền như có linh hồn, chúng cứ tự tìm tới tôi như một cái duyên. Chẳng hạn một lần đang ngủ trưa có người bán ve chai kêu bán xấp tiền xu cũ, ngả màu đen xịt. Người này bán rẻ cho tôi vì ông đã bán nhiều người nhưng không ai mua, tôi bèn lấy đồ tẩy rửa và mừng tới rơi nước mắt bởi trong đó có 2 đồng tiền Thiên Minh Thông Bảo của chúa Nguyễn”. Nhưng cũng nhiều lần hay tin có tiền quý, ông lặn lội tìm đến nơi thì người ta đã bán rồi hoặc tưởng tiền quý chừng kiểm tra lại chỉ tiền thường… Ông nói: “Món đồ gì cũng vậy, cũng có tánh linh, biết mình yêu thích và trân trọng nâng niu thì chắc chắn nó sẽ tìm đến mình hoặc mở đường cho mình tìm đến”.
2. NHÀ SƯU TẬP TIỀN CỔ VIỆT NAM MAI NGỌC PHÁT – HÀ NỘI
20 năm sưu tầm để có được bộ tiền cổ Việt Nam từ những đồng tiền đúc đồng đầu tiên của Đinh Tiên Hoàng, trải qua bao thăng trầm của lịch sử cho tới nay là một đóng góp không nhỏ cho kho tàng cổ vật Việt Nam của nhà sưu tầm Mai Ngọc Phát.
Cơ duyên đến với tiền cổ
Anh Mai Ngọc Phát sinh năm 1960 tại Kim Sơn Ninh Bình. Anh đam mê sưu tầm tiền cổ từ cơ duyên – Năm 1978 lúc đó đang học năm thứ hai Đại học Bách khoa Hà Nội thì có lệnh cho toàn bộ sinh viên Hà Nội nghỉ học. Những sinh viên nội trú thì được mang đầy đủ tư trang cá nhân tập trung về hội trường, đến lúc đó anh mới được biết là đi làm nhiệm vụ đổi tiền (đợt đổi tiền đầu tiên cả nước khi Việt nam hoàn toàn thống nhất).
Lần đó anh đuợc phân công làm nhiệm vụ đóng dấu thu tiền cũ (tiền phát hành năm 1958) tại bàn đổi tiền phố Hàng Chuối – Hà Nội. Cho đến bây giờ anh vẫn còn cái cảm giác háo hức được nhìn thấy đồng tiền mới như thế nào…
Trong những ngày ấy các anh phải sinh hoạt tại chỗ không được đi ra ngoài, biết các anh buồn, bác chủ nhà lấy cho anh xem một quyển album lưu giữ những mẫu tiền giấy, tiền xu năm 1946, nói về những tờ tiền mắt người chiến sỹ Điện Biên ánh lên niềm tự hào về những tờ tiền đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Anh lắng nghe và thầm quyết định sẽ giữ lại phần tiền ít ỏi của mình mà gia đình cho để ăn thêm và cũng từ đây anh bắt đầu sưu tầm tiền cổ.
Tốt nghiệp ra trường, anh về làm việc trong ngành xây dựng các công trình giao thông, nghề nghiệp đã tạo cho anh cơ hội đi khắp các vùng miền của hai nước Việt Nam và Lào. Trong quá trình thi công anh em thợ máy nhiều lần đã đào được tiền cổ, đặc biệt khi thi công cải tạo đường thành phố Vientiane – Lào, đơn vị các anh đã được mời tham gia cùng đoàn khảo sát thành cổ Vientiane. Do đi nhiều, cứ nghe đâu đào được tiền cổ là anh lại tìm đến, máu sưu tầm tiền cổ cứ chảy mãi trong anh.
Hồn dân tộc qua tiền cổ
Càng sưu tầm càng thấy lĩnh vực cổ tiền rộng lớn quá. Chỉ với bốn chữ trên đồng tiền tròn lỗ vuông mà nó phản ánh biết bao thăng trầm của lịch sử. Những đời vua thịnh trị “quốc thái dân an” thì đồng tiền đẹp, dày, nặng, thư pháp rõ ràng. Những đời vua có nội chiến, dân tình khó khăn thì đồng tiền xấu, mỏng…
Muốn hiểu được tiền cổ phải hiểu được lịch sử dân tộc, phải tìm hiểu những giá trị kinh tế, văn hóa, kỹ nghệ đúc tiền thì mới đặt đúng vị trí đồng tiền mà giới khảo cổ gọi là giám định. Theo giới chuyên môn giám định cổ vật thì giám định tiền là khó nhất.
Muốn tìm hiểu cổ tiền Việt Nam bắt buộc người chơi cổ tiền phải sưu tầm và nghiên cứu tiền cổ của bốn nước đồng văn đó là Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản, có nghiên cứu tương quan như vậy thì mới thấy cái hay cái quí của tiền cổ nước nhà. Những mẫu tiền mang quốc tính nhà vua như: Thái Bình Hưng Bảo hậu chữ Đinh (nhà Đinh). Thiên Phúc Trấn Bảo hậu chữ Lê (nhà tiền Lê). Khai Thái Nguyên Bảo hậu Trần (nhà Trần) đã thể hiện ý chí “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”. Đến đời Lê từ Lê Thái Tông (1434) đến Lê Tương Dực (1510) những đồng tiền Đại Bảo, Đại Hòa, Diên Ninh, Thiên Hưng, Quang Thuận, Hồng Đức, Cảnh Thống, Đoan Khánh, Hồng Thuận như vừa tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long, đã được các chuyên gia thế giới cho là những đồng tiền đẹp nhất thời đó, đẹp hơn cả đồng tiền Trung Quốc.
Những nhà thiết kế các loại tiền đồng Việt Nam sau này đã không ngừng sáng tạo. Lê Hiển Tông (1740 – 1786) đưa ra tiền Cảnh Hưng, không những mang từ “Thông Bảo”, “Đại Bảo”, mà còn tạo ra “Cự Bảo”, “Dụng Bảo”, “Nội Bảo”, “Chính Bảo”, “Tuyền Bảo”, “Vĩnh Bảo”, “Trọng Bảo”, “Thái Bảo”, “Thuận Bảo” v.v… Những đồng tiền nước bạn không thấy từ nào như thế. Hồn dân tộc đã hiện ra trên những đồng tiền cổ.
Sưu tầm cổ tiền Việt Nam rất khó khăn vì sách sử ghi về việc đúc tiền rất sơ sài. Đến nay sách viết về cổ tiền trong nước rất ít chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những nhà sưu tập phải tìm hiểu ở các sách của Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ.
Hiện nay cả nước chưa có bảo tàng tiền tệ, cũng chưa thấy trường đại học nào có bộ môn riêng lịch sử đồng tiền Việt Nam…
Dân tộc ta trải qua 2 cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc, trong những ngày gian khổ đó tất cả cho tiền tuyến chứ có mấy người để tâm mà sưu tầm tiền cho nên những mẫu tiền quí đã chảy ra nước ngoài… Ngày nay khi điều kiện kinh tế phát triền chúng ta lại phải bỏ tiền để mua lại những mẫu tiền quí của chính dân tộc mình ở nước ngoài.
Bộ sưu tập qua 20 năm sưu tầm
Bộ sưu tập kéo dài từ năm 968 – 1945. Bắt đàu từ nhà Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – Hồ – Lê sơ – Mạc – Lê Trung Hưng đến nhà Nguyễn. Trong trang vàng lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, với hơn 20 năm sưu tập anh Mai Ngọc Phát đã tìm được gần đầy đủ các loại tiền nhỏ mà người Trung Quốc hay gọi là “Tiểu bình tiền”, từ đồng tiền đầu tiên được vua Đinh Tiên Hoàng đúc năm 970 đến đồng tiền của nhà vua cuối cùng Bảo Đại năm 1945.
Với mỗi loại tiền sử sách chỉ đưa niên hiệu, trong các sách về tiền cũng chỉ đưa các mẫu tiêu biểu nhưng bộ sưu tập của anh Phát thì đầy đủ các loại, từ các khác biệt về thư pháp, đường kính, chất liệu và cả những mẫu tiền lỗi trong quá trình đúc. Ngoài tiền Quốc khố đúc anh còn sưu tầm cả những loại dân gian phỏng đúc, anh nói vui nếu không quí thì người ta phỏng đúc làm gì… Ngẫm ra tìm đồ giả cũng có thú vị riêng của nó.
Tiền Thuận Thiên Đại Bảo đồng tiền đầu tiên của nhà Lý, một loại tiền quí hiếm anh Mai Ngọc Phát cũng sưu tầm được 3 mẫu có đường kính và thư pháp khác nhau. Điều đó chứng tỏ tiền được đúc nhiều lần. Tiền Đại Trị (Thông Bảo, Nguyên Bảo) do vua Trần Dụ Tông (1358 – 1369) anh Mai Ngọc Phát đã sưu tầm được trên 100 mẫu khác nhau về thư pháp, đường kính, dày mỏng. Tiền Cảnh Hưng dưới triều Lê Hiển Tông (1740 – 1786) anh sưu tầm thành 1 mục riêng trên 600 mẫu với nhiều loại chất liệu, thư pháp, đường kính khác nhau. Người ta nói “hiện tượng” tiền Cảnh Hưng quả không sai khi xem bộ suu tập của anh.
Trong bộ sưu tập tiền cổ chính triều Việt Nam mà anh Phát đã sưu tầm được những mẫu tiền quí hiếm như: Thiên Cảm Nguyên Bảo hậu Càn Vương tiền nhà Lý. Tiền nhà Trần thì nhiều loại khác nhau như Kiến Trung Thông Bảo, Thiệu Khánh Thông Bảo (bảo 3 chân), Khai Thái hậu Trần… Các loại tiền còn đang chờ khảo cứu thêm như Thánh Nguyên Thông Bảo, Quang Bảo Thông Bảo…
Ngoài tiền chính triều thì tiền ngụy triều và tiền phỏng đúc cũng được anh Mai Ngọc Phát kỳ công sưu tầm, loại này còn lớn gấp nhiều lần tiền chính triều về số lượng. Một số bộ thủ quí hiếm như Vạn Kiếp thủ, tiền lỗ vùng, tiền lỗ vuông anh cũng sưu tập được gần đầy đủ. Những loại tiền này các nhà nghiên cứu và bản thân anh cũng đang dốc sức tìm hiểu vì trên hiệu tiền như Vạn Kiếp, Quan Triều Quí Mùi, Phán Đầu Quí Mùi… cứ phảng phất đâu đó những chiến tích nhà Trần gắn với Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Phong phú nhất là tiền thời các chúa Nguyễn. Thời kỳ này đàng trong giao thương phát triển mạnh, chúa Nguyễn cho phép Hoa kiều, Nhật kiều đúc tiền, Chúa lại mua tiền Trường kỳ của Nhật Bản. Dựa vào đó các nhà buôn nước ngoài cũng mua tiền xấu của các đảo đưa vào bán ở Việt Nam. Bộ sưu tập thời kỳ này rất phong phú: Tiền kẽm anh đã thống kê được trên 100 hiệu ngoài ra còn tiền chất liệu đồng đỏ, tiền chất liệu chì, tiền Trường Kỳ của Nhật Bản. Tiền xấu các đảo mà người Nhật gọi là tiền Bitasen. Ngoài bộ sưu tập cổ tiền anh cũng dành nhiều năm hoàn thiện về bộ tiền Ngoại Thương chất liệu bạc và tiền Đông Dương mọi chất liệu. Tiền xu Việt Nam từ năm 1945 đến nay và cả bộ tiền kỷ niệm của Việt Nam phát hành tại nước ngoài với chất liệu Bạc và Vàng 9999.
Không chỉ có tiền cổ, bộ sưu tập tiền giấy Việt Nam của anh Phát cũng rất đầy đủ và phong phú gồm: Tiền tài chính, Tín phiếu Trung Bộ, phiếu tiếp tế Nam Bộ và các tỉnh. Đầy đủ tiền Việt Nam từ năm 1946 đến nay. Có cả các loại tiền Đông Dương, Việt Nam cộng hòa, tiền quân đội các nước sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam như Quan Kim, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ.
Ngoài tiền anh Mai Ngọc Phát còn sưu tầm rất nhiều chuyên mục khác như: Các khoản nhà nước vay dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các loại cổ phiếu Đông Dương phát hành tại Việt Nam, ngân phiếu thanh toán…
Ước nguyện sau 20 năm sưu tập
Qua bao nhiêu năm sưu tầm anh ước ao nước mình có một bảo tàng tiền tệ Việt nam để giới thiệu cho thế hệ mai sau thêm tự hào về truyền thống văn hóa, kỹ nghệ đúc đồng của ông cha ta qua tiền cổ, từ đó hình thành một bộ môn nghiên cứu chuyên biệt về Cổ tiền học Việt Nam.
Anh tâm sự: “Chúng ta tự hào với thế giới về Trống đồng Đông Sơn, sao lại không giới thiệu kỹ nghệ đúc tiền của cha ông cho bạn bè thế giới. Từ niềm đam mê sưu tầm các bạn trẻ sẽ tìm hiểu và thêm yêu những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam”.
Sưu tầm là niềm đam mê bất tận và hạnh phúc khi được tận hưởng niềm đam mê ấy, ước mơ cuối cùng của anh là mở được một phòng trưng bày mini để giới thiệu cho mọi người bộ sưu tập mà cá nhân anh đã bỏ công sức tiền bạc trên 20 năm sưu tập. Chia tay anh tôi thầm chúc cho ước mơ của anh sớm thành hiện thực.
Hiện anh Mai Ngọc Phát là hội viên Câu lạc bộ sưu tầm Gốm và cổ vật Thăng Long – Hà Nội, hội viên số 9948 – International bank note Society, chủ nhiệm Câu lạc bộ sưu tầm tiền Tràng An – Hà Nội